Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Hung trung vô tam vạn quyển thư

 Lúc nhỏ để khích lệ tôi đọc sách, ba tôi thường kể tích Tô Đông Pha bị Vương An Thạch đày đi vì phê thơ, và cảm khái: "Hung trung vô tam vạn quyển thư, nhãn trung vô thiên hạ kỳ sơn xuyên, vị tất năng văn"( Trong bụng chưa chứa được ba mươi ngàn cuốn sách, con mắt chưa nhìn thấy được hết núi sông trong thiên hạ, thì chưa nói chuyện văn chương được ).

Lúc nhỏ chỉ khâm phục người xưa có thể đọc được tới ba vạn quyển sách, nhưng cũng không tưởng tượng ra ba vạn cuốn sách là nhiều như thế nào. Đến khi lớn và bắt đầu đọc sách, có ý thức đếm số sách mình đọc bằng blog và goodreads thì mới cảm thấy ba vạn là con số quá lớn. Hiện tôi đọc sách khá nhiều, nhưng mỗi năm chỉ khoảng 30-50 cuốn, nếu có thể đọc hơn mà không ảnh hưởng tới công việc thì nhiều lắm 100 cuốn mỗi năm, 30 000 cuốn cần tới 30 năm liên tục đọc sách...

Ban đầu tôi nghĩ là do sách thời cổ ngắn gọn hơn hiện đại, ví như đạo đức kinh chỉ khoảng 5000 từ, họ phải viết lên thẻ tre, mỗi cuốn sách nội dung súc tích và về kích thước thì nhỏ hơn hiện tại rất nhiều. Đến Huệ Thi học phú ngũ xa, năm xe sách của ông nếu đổi sang sách giấy thì chỉ khoảng 100 quyển sách hiện đại.

Tuy nhiên thời đại của Tô Thức là khoảng năm 1100, thời Tống ở Trung Quốc, lúc này việc in ấn đã tương đối phát đạt, ngoài thẻ tre còn có quyển lụa, giấy để tạo sách, thành ra sách mà Tô Thức nói đến có thể là sách giấy, mặc dù chữ cổ to hơn, chất giấy dày hơn thì 30000 cuốn sách vẫn là một khối lượng đồ sộ.

Đến gần đây tôi mới được biết, quyển là một đơn vị nhỏ hơn sách, tương tự thiên, chương... Do người xưa ban đầu viết sách cồng kềnh nên thường chia nhỏ ra thành đơn vị bé hơn. Ví dụ sách Sử Ký của Tư Mã Thiên dịch sang tiếng việt kể cả chú thích là khoảng 900 trang. Sách ấy gồm 130 quyển. Vậy mỗi quyển khoảng 7 trang giấy. 

Tuy nhiên nếu xem Hồng Lâu Mộng thì mỗi quyển tới bốn hồi, tính ra mỗi quyển khoảng 50 trang giấy. Tam quốc chí thì mỗi quyển khoảng 30 trang. Càng về sau số trang trên mỗi quyển càng lớn, hoặc cũng có lẽ do tiểu thuyết thì không được xem trọng như sử cũng nên. 

Nếu xem mỗi quyển trung bình khoảng 30 trang, vạn quyển thư là 300 ngàn trang, tương đương 1052 cuốn sách tôi đã đọc (năm 2019 số trang trung bình mỗi cuốn tôi đọc là 285 trang/ cuốn, đọc 45 cuốn).

Con số này khả thi hơn ba vạn cuốn ban đầu, vậy nếu một mọt sách siêng đọc, chỉ cần khoảng 10 năm có thể nạp được lượng thông tin đủ yêu cầu của họ Tô. Với cổ nhân thì có lẽ vấn đề chính là khan hiếm sách và giá sách cao, với người hiện đại có lẽ là có quá nhiều lựa chọn...

À, nếu tính xem phim cũng là một loại tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức, thì một giờ xem phim tương đương với đọc bao nhiêu trang sách nhỉ?

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Bookreview: Dẫn luận về giấc mơ

Khác với trường phái phân tích giấc mơ dựa vào nội dung vẫn đang được ưa chuộng. Bài luận của Hobson là một nghiên cứu về giấc mơ bằng các công cụ khoa học. Tác giả tập trung vào hình thức của giấc mơ thay vì nội dung, và trình bày những kết quả nghiên cứu hiện đại của các nhà khoa học não, thần kinh và tâm lý về quá trình của giấc mơ, mối liên hệ của chúng với hoạt động của bộ não, cơ thể con người và thế giới xung quanh.

Những gì ta học được trong sách không chỉ là cơ chế của mơ mộng, mà còn là phỏng đoán về bản chất của ý thức hay tiềm thức bên trong não. Cách mà ý thức bị tước đoạt một phần trong giấc ngủ và hồi phục lúc bình minh.

Chúng ta đã đi xa hơn so với các tiền bối trong lĩnh vực hấp dẫn này, tuy nhiên vẫn còn vô số những bí ẩn phía trước còn chờ nghiên cứu và khám phá. 



“Một dẫn luận ngắn gọn về khoa học nghiên cứu giấc mơ, khảo sát cô đọng những câu hỏi về chức năng, sự kích hoạt và diễn giải giấc mơ, tìm hiểu mối quan hệ giữa mơ, học hỏi, trí nhớ và ý thức. Không chỉ giới hạn ở vài tiết lộ gây ngạc nhiên, Hobson còn phơi bày trần trụi những bí mật của một quá trình đã thu hút và mê hoặc con người trong nhiều thế kỷ.” (Northen Echo)

“Cuốn sách của Allan Hobson rất nên đọc để biết về sự náo nhiệt của khoa học ở những biên giới của lý thuyết và thực tiễn nghiên cứu về ý thức.”

“Dẫn luận về giấc mơ cung cấp nhiều chất liệu tư duy cho mọi độc giả.” (Good Book Guide)

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Bookreview: Sổ tay nhà thôi miên II

 Tiếp nối những câu chuyện về những bệnh nhân tâm lý của cặp đôi nhà tâm lý - nhà thôi miên trong phần 1. Phần 2 của sách vẫn là những câu chuyện thú vị về cuộc đời của con người - những người mà tâm thức hỗn loạn một cách đặc sắc, những câu chuyện thú vị chỉ muốn đọc mãi...


Phần tiếc nuối là câu chuyện về dòng thời gian vẫn chưa kết thúc, có lẽ là tác giả để dành cho sách sau.


Thực ra, thế giới này vẫn luôn bình thường.

  Nó sẽ không uất ức, không áp lực, chẳng khác mấy trăm triệu năm trước là bao.

Chính chúng ta mới có vấn đề. 

        Chúng ta uất ức, chịu đựng áp lực, thậm chí suy sụp. 

        Chúng ta tưởng rằng mọi thứ đều có vấn đề.

Chúng ta nghi ngờ tất cả. 

        Bởi vậy chúng ta mới bất an.