Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Hi no tori

*** note để nhớ...

Dawn - Bình minh của chim lửa - sinh vật thần kỳ mà kẻ uống máu của nó có thể đạt được đời sống bất tử. Tuy nhiên xuyên suốt câu chuyện, trừ nữ hoàng Himiko đang níu kéo thanh xuân, những nhân vật khác chả quan tâm lắm về việc được đời sống bất tử. Chàng Uraj muốn dùng nó như vị thuốc để cứu vợ yêu, tay thiện xạ chỉ xem săn bắt như một nhiệm vụ bình thường phải hoàn thành. Và vị thần võ thiên hoàng thậm chí khinh thường ý tưởng về sự bất tử: 40 hay 50 năm cuộc đời là đủ để thoả sức tung hoành với những hoài bão của ông ta. Trong tất cả những nhân vật đó, ta có thể thấy được một triết lý tuyệt diệu trong văn hoá của Nhật Bản: tình yêu với vẻ đẹp ngắn ngủi, vô thường của sự sống.

Future - Khi đọc Vol 2 của phoenix, tôi đã thực sự thích thú vì vũ trụ quan của Tezuka khá giống những gì tôi vẫn hay mơ: vũ trụ vô hạn khi ta đi sâu vào vĩ mô hay vi mô, nó lặp lại và trên hết, tất cả là một, cơ thể sống vĩ đại xuyên suốt thời không. So với nó thì văn mình loài người, sự sống trên trái đất hay cả vầng mặt trời kia cũng chỉ là bụi bụi mà thôi...

Yamato - Nó là câu chuyện của thời gian, dòng sông chảy qua và cọ rửa dần những dấu vết của lịch sử, dù cho đó là vị vua quyền khuynh thiên hạ, sau ngàn năm cũng chỉ còn lại một đống đá xanh. Những xung đột khủng khiếp trong quá khứ, truyền qua vài chục đời chỉ còn lại vài ba dòng ghi chép. Đời người phù du đến thế, sao không làm hết sức mình vì điều mình tin là đúng đắn?

Space - Lòng người khó đoán, vì sao Nana vẫn yêu và nguyện sống cảnh tù đày để chăm sóc Makimura sau khi biết hắn là kẻ sát nhân? Tôi cũng không rõ ẩn ý của Tezuka trong hình tượng một nhà tù vĩnh cữu trong vũ trụ, nó là trò chơi của chúa trời Phoenix? Nó là phòng thí nghiệm hay là vườn hoa, sao bỗng nhiên thực thể vĩ đại này bỗng quan tâm tới tội ác của vài con người khi trước đây nó vẫn thờ ơ?

Karma - Trong vol 5, ta thấy phật giáo nhật bản: trong triết lý của nó cũng như vị thế trong văn hoá cổ đại. Nghiệp báo, luân hồi, tham-sân-si, chấp nhất và giải thoát khi nhìn thấy được tánh không của vạn vật.

Resurrection - bằng việc tạo ra robot Robita cho Future, Tezuka đặt những câu hỏi về bản chất của con người, nó có thể tha hoá cũng như cao quý cỡ nào. Chúng ta đang cố gắng tạo ra trí tuệ nhân tạo, kỳ vọng nó sẽ có tâm trí cũng như cảm xúc của một con người, nhưng rồi ta sẽ đối xử với chúng như thế nào?

Nostalgia - hoài niệm và thương nhớ quê hương, vũ trụ khốc liệt và sự sống ngoan cường. Ta gặp lại Makimura trẻ tuổi với trái tim vẫn còn nóng hổi và tâm hồn chưa bị thời gian vặn vẹo, ta gặp nữ hoàng Romy người đã sinh ra một giống loài mới và chinh phục hành tinh lạ, nền văn minh ngắn ngủi của Eden 17, nơi những cư dân của nó sa đọa từ văn minh đến mục ruỗng chỉ trong vài ngày. Và hết thảy dấu vết đều xóa sạch trên hành tinh nhỏ? Những hạt giống mới gieo sẽ lớn lên và tái tạo, nhưng chúng có biết về bài học cũ của tiền nhân, và nếu biết thì có lặp lại sai lầm cũ chăng?

Civil war - dân số tăng dường như là nỗi lo lắng của những con người nhìn xa trông rộng trong thập niên 60-70, bây giờ thì ở các nước phát triển người ta đối mặt với vấn đề dân số giảm. Nhảm vậy thôi nhưng Vol này không phải về dân số, nó là câu chuyện về chim lửa nhưng không có con chim thần trong đó, nó là câu chuyện về sự sụp đổ của chính quyền Samurai đầu tiên, thời mà Bushido mới bắt đầu hình thành và chưa hoàn thiện. Trong sự vô nghĩa của chiến tranh - ta thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Stranger Beings - nhà tù vòng thời gian: nàng giết một ni cô, và vì tội lỗi đó mà bị ném trở lại quá khứ và sống trong nhà tù thời gian, đến ngày phán xét cuối cùng, nàng chịu chết trong tay chính mình để chuộc tội, (và tuổi trẻ nàng phạm tội :| ) Con chim hãm vl :v

Life - câu chuyện về đạo đức khoa học khi cloning human.

Sun - câu chuyện về xung đột tôn giáo, giữa tôn giáo mới và cũ, giữa tôn giáo bản địa và ngoại lai. Chiến tranh ở thế giới tâm linh và cuộc chiến thế tục song song với nó, cả hai đều có thể chậm rãi hoặc tàn khốc đến không ngờ.

Early Works - Từ ai cập cổ tới hy lạp và la mã cổ đại, con chim lửa đã để lại dấu răng...



Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

Review Phẩm cách quốc gia của Fujiwara Masahiko

Phẩm cách của quốc gia không phải ở quyền lực quân sự chính trị hay kinh tế, mà là trong văn hoá, đạo đức và khoa học nghệ thuật. Được giáo dục theo tinh thần võ sĩ đạo, Fujiwara bày tỏ lòng yêu mến và ngưỡng vọng sâu sắc với các giá trị vô hình trong văn hoá Nhật Bản. Ông đau đớn khi những giá trị tuyệt vời cổ xưa đó bị xói mòi bởi kinh tế thị trường, và kêu gọi phục hồi những giá trị đó: cảm xúc nghệ thuật tinh tế, hoà mình với thiên nhiên, và tinh thần võ sĩ đạo.

Trong sách, Fujiwara phân tích giới hạn của tư duy logic âu mỹ, bản chất bất toàn của nó và do đó, một nền văn minh khoẻ mạnh cần có cả tư duy logic lẫn những giá trị phổ quát siêu hình. Với Âu Mỹ, đó là Ki tô giáo, với Nhật Bản đó nên là tinh thần võ sĩ đạo. Mỗi đất nước cần có bản sắc của riêng mình hơn là hoà mình vào xu thế toàn cầu hoá.

Sách có vài đoạn khá định kiến về văn hoá phương tây và cuồng nhật, nhưng nó là một tác phẩm văn hoá sâu sắc đáng đọc, cho những ai muốn hiểu biết thêm về văn hoá nhật bản, cũng như cho những ai muốn đi tìm phẩm cách cho quốc gia mình.