Trong các tác phẩm kỳ ảo, có một thuật gọi là phân thân hay hoá thân. Người thi pháp tạo ra một bản sao có ý thức của chính mình để thực hiện một mục đích nào đó.
Tuỳ theo thiết lập của tác giả mà thuật có hạn chế khác nhau, vd công lực có thể cao hơn bản thể hoặc không. Hay tuổi thọ của hoá thân...
Vấn đề mang tính nhân văn nhất trong thuật này là phân thân phản bội: Người thi pháp tạo ra hoá thân có thể với mục đích hưởng thụ, ví dụ ta không thể vừa ăn cá vừa ăn tay gấu, thế là phân thân. Thế nhưng đa phần là để làm những gì mình không thích hoặc rủi ro cao: do thám, ám sát, làm các công việc nặng nhọc... "Phân thân là ta, nhưng mà ta không phải là phân thân"
Nếu phân thân vẫn xem "ta" là bản thể, thì không có vấn đề, nhưng nếu nó sinh ra bản ngã riêng thì bản ngã mới đó rõ ràng không chấp nhận mình bị nô lệ hoá. Và phản kháng là điều tất yếu.
Để giải quyết vấn đề này, cách tốt nhất là đặt ra một "ta" lớn hơn. Phân thân hay bản thể chỉ là ngoại vi, giống như tay chân của một bản ngã duy nhất, và do vậy chúng sở hữu chung định danh, sở hữu, tính cách, ký ức và cảm xúc. Với kiểu này yêu cầu "ta lớn" phải rõ ràng, mạnh mẽ và ổn định. Và quan trọng nhất vẫn là tính đồng bộ cao giữa các bản thể. Vì nếu không có vĩnh hằng ta, ta vô thường thì thời gian dài không đồng bộ sẽ tạo ra các bản ngã khác nhau và có thể xung đột.
Một cách khác là đặt thời gian sống giới hạn/ năng lực trí tuệ giới hạn cho phân thân. Phân thân không kịp suy tư về việc "ta là ai, ta từ đâu tới, ta sẽ đi về đâu" là đã đi bụi rồi. Hoặc phân thân bị ức chế khả năng sinh ra bản ngã riêng.
Cách nữa là cả phân thân và bản thể đều như nhau, và quy y cho một lý tưởng cao hơn. Như các phân thân của Yuri trong red alert sống vì lý tưởng cộng sản vậy.
Điều kỳ diệu khi xem các tác phẩm kỳ ảo và khoa ảo là cách họ định nghĩa "ta" khác nhau. Và từ định nghĩa lại "ta" mà có những hành động phi tự nhiên, phi bản năng.
Bước kế tiếp của tiến hoá loài người, có lẽ là sẽ liên tục định nghĩa lại "loài người" và "ta"