Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

tranh cãi

 Hôm nay mình thảo luận về một điểm trong một hợp đồng mua bán với một bạn đồng trade. Mặc dù hợp đồng đã ghi ra văn bản và phần đang xem xét chỉ trên dưới 100 chữ, mình và bạn mãi vẫn không thống nhất với nhau về cách hiểu phần hợp đồng này. Cuối cùng dừng tranh luận và quyết định ai làm theo cách người đó, ai mất tiền thì tự chịu. Mình và bạn đều nghĩ: "thôi tôi đã cố nói tới thế mà không nghe thì chịu, quen thân gì đâu mà phải nói nhiều nữa." Cuộc tranh luận kết thúc trong văn minh, đồng thuận với sự bất đồng.

Mình nghĩ về những người thân quen, và mình thấy càng thân quen, gắn bó về cảm xúc hay lợi ích thì người ta sẽ càng cố tranh luận thuyết phục nhau. Khi ta đồng cảm với cảm xúc của người kia, và nghĩ mình sẽ đau khổ khi họ đau khổ, ta càng không muốn họ mắc "sai lầm". Về lợi ích càng như thế, nếu mà có kèo đầu tư quá ngon có thể giúp gia đình thoát nghèo, lẽ nào ta không chia sẻ với anh em? Nếu mà người thân của ta đang bị dính lừa đảo mà không tự biết, không lẽ ta tiếc lời khuyên bảo?

Tiếc là sự đời không phải lúc nào cũng có đúng sai rõ ràng như toán logic. Tiền và trải nghiệm cái nào đáng giá hơn? Nên xử sự lý trí hay cảm tính? Sống hạnh phúc hay đạo đức, hay chúng đều vớ vẩn? Ta có thể chấp nhận những sai lầm "nhỏ" và uốn nắn những cái "to" của đối phương. Nhưng mà vấn đề nào to nhỏ cũng khác nhau với mỗi người rồi.

Vì thế mà con lớn thì ưa rời khỏi nhà, bạn bè thân quen vẫn cần sự riêng tư nhất định mới bền lâu, tình cảm vợ chồng muốn giữ phải biết tranh luận và đồng thuận.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét