Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Thâm không chi lưu lãng hạm đội

Hầu hết các sách của tác giả Tối Chung Vĩnh Hằng đều xoay quanh chủ đề: entropi tăng. Cuốn này có lẽ cũng không ngoại lệ.

Định luật thứ hai nhiệt động lực học khẳng định: entropi của một hệ kín luôn tăng. Vũ trụ sẽ càng lúc càng hỗn loạn. Thế giới sẽ huỷ diệt trong nhiệt tịch: một nồi cháo hỗn độn của các vi hạt.

Với tư cách là hệ mở: cơ thể sống đi ngược lại quá trình đó, chúng tiến hoá ra những kết cấu ngày càng phức tạp, mặc dù con đường tiến hoá là ngẫu nhiên chắp vá, chúng vẫn sinh ra những kỳ tích tuyệt vời như ta thấy trên trái đất: vi sinh, các thể đa bào, động vật bậc thấp tới cao... và con người.

Với tác giả, văn minh là một hệ mở đặc biệt: nó thoát thai từ tinh cầu và có khả năng mở rộng, cải tạo tinh cầu - vũ trụ. Nhưng nó cũng phải liên tục tiến hoá và phát triển, nếu không lời nguyền entropi tăng vẫn sẽ kéo nó trong một vòng luân hồi sinh lão bệnh tử lớn. Tưởng tượng các triều đại Trung Hoa cổ: phát triển, dân số tăng, phân chia ruộng đất không đều dẫn đến nạn đói và cách mạng lập nên triều đại mới với ít dân số hơn, rồi lại quay trở lại một vòng luân hồi.

Trái đất hiện tại cũng đang bước vào một giai đoạn quan trọng: Con người sau khi dùng hết tài nguyên dầu mỏ, có thể tìm ra nguồn năng lượng mới thay thế không? Sau khi khai phá hết địa cầu có thể thoát ra khỏi trái đất trở thành loài vũ trụ? Loài người sau khi thực dân toàn bộ hệ mặt trời có thể bay ra khỏi đó để phát triển lên một bước xa hơn? Khoa học kỹ thuật của ta đang phát triển bồng bột, nhưng đến khi tuổi trẻ của văn minh đi qua vượt qua và khoa học ngừng phát triển, điều gì sẽ xảy ra? Liệu người ta có còn cố gắng nghiên cứu nếu vài trăm năm không phát triển? Một xã hội đình trệ đi vào giai đoạn "lão" và nếu có "bệnh" xảy ra, nó hoàn toàn có thể "tử vong" và bắt đầu một luân hồi khác.

Địa cầu trong truyện là một địa cầu như vậy, khi khoa học phát triển chậm lại và dân chúng có xu hướng hưởng thụ thay vì học hỏi. Những người có tư tưởng lớn đã quyết định tạo ra một kế hoạch thực dân vũ trụ: Họ dùng toàn lực phóng hai hạm đội vào vũ trụ, với mong muốn hai hạm đội đó có thể trở thành ngọn lửa văn minh bật sáng đêm đen.

Và trên con đường lưu lạc của hai hạm đội, họ đã gặp gỡ và giao lưu nhiều văn minh kỳ lạ, mỗi nơi có đặc thù địa lý, có những vấn đề nan giải, có những bậc vĩ nhân, có những câu chuyện bi hùng khác nhau để họ học hỏi và phát triển.

Những thế giới vẽ ra trong truyện, những phỏng đoán về những nền văn minh cấp cao cho thấy trí tưởng tượng phi thường và sức sáng tạo đặc biệt của tác giả. Tính logic của nó làm ta không chút nghi ngờ rằng cuối vũ trụ, có lẽ đâu đó có những nền văn minh như vậy, đau khổ giãy dụa tìm cách tiến lên, hoặc sa đoạ hủ hoá trong thung lũng "bình thường"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét