Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

Mỗi người kể một câu chuyện.

Nếu mười người đã đến cùng một bữa tiệc, liệu họ có kể lại một câu chuyện, hay là mười một câu chuyện khác nhau?

Bạn đã đến bữa tiệc đó, và khi nghe lại câu chuyện kể, bạn thấy người ta tả lại khác với mình, cười thầm vì biết là người đó đã nhìn sự thật một chiều, và qua lời kể đã bóp méo phần nào.

Bạn đâu biết, sự thật mà bạn tưởng mình biết, những người khác cũng sẽ nghĩ như vậy.

Người thân quen nghe được một câu chuyện, thường tin ngay chẳng nghi ngờ. Ai nghe được vài góc nhìn khác nhau có thể biết nhiều hơn người nghe một, nhưng mà có thể hơn người đã ở đó chăng?

Khi bạn ở, hình ảnh các sự kiện được lọc một lần qua lăng kính kinh nghiệm và định kiến, khi bạn kể chuyện, nó lại được chèn thêm một bộ lọc để làm cho bản thân người kể trở nên tốt đẹp hơn, thi vị hơn.

Giống như một bức hình tự sướng, ảnh được đăng lên luôn không phải là bản chân thực nhất, mà là bản đẹp nhất. Con người đã biết tự sáng tạo lại hình ảnh quá khứ của mình từ rất lâu trước nhiếp ảnh, qua ngôn ngữ của lời lẽ.

Bằng cách thay đổi cách dùng từ, cùng một thông tin có thể gợi lên những cảm xúc khác nhau ở người nghe, thay đổi ý nghĩa câu chuyện, và định hướng sự thật. Tôi luôn hâm mộ những người có thể nói được và viết được vì lẽ đó. Nhưng mà những câu chuyện của họ, tôi thường thay thế bởi những từ có ít cảm xúc hơn, mong muốn tìm ra thông tin thực sự ẩn chứa phía sau lời lẽ hoa mỹ kích động lòng người.

Tuy nhiên hình ảnh qua ba lăng kính không hoàn nguyên vẻ chân thật của nó, nó chỉ còn là những đường nét mờ nhạt không thể thấy rõ, không màu sắc hay xúc cảm, không thú vị. Cũng không chắc là nó có đúng không nữa, hay như một ảo ảnh trong nước: nó cũng bị kéo co, bị đảo ngược, bị vỡ ra thành trăm ngàn mảnh nhỏ.

(cảm xúc khi xem xong phim gone girl một chiều đà lạt)

1 nhận xét: